NHÂN LOẠI ĐÃ TÌM ĐẾN BIA NHƯ THẾ NÀO?
Bia vốn rất quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng lại ít ai biết đến hành trình lịch sử lâu dài của loại thức uống đặc biệt này. Bạn đã sẵn sàng khám phá?
Tương tự như rượu, bia cũng là một loại thức uống có cồn với lịch sử lâu đời, đã gắn bó với đời sống con người từ xa xưa đến nỗi rất khó để truy được thời điểm chính xác mà nó lần đầu xuất hiện. Tuy vậy, vẫn có những cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành bia để chúng ta có thể cùng nhìn lại hành trình tận hưởng của nhân loại cùng loại đồ uống này. Hãy cùng Sapporo Star Guide tìm hiểu các điểm đặc biệt của lịch sử về bia bên dưới.
Ai là người phát minh ra bia?
Nếu bạn đang tìm kiếm một cái tên của ông tổ nghề bia, rất tiếc vì điều đó có lẽ là không thể. Tuy rất khó để gắn liền sự phát minh của bia cho một nền văn hoá hoặc thời điểm nhất định, nhưng thức uống được lên men đầu tiên của thế giới có thể đã được tìm thấy song song với sự phát triển của ngành nông nghiệp ngũ cốc vào khoảng 12,000 năm trước. Khi những bộ tộc săn bắt hái lượm bắt đầu bước vào nền văn minh nông nghiệp với lúa mì, gạo, lúa mạch - họ có thể đã tìm thấy hiện tượng lên men và bắt đầu việc ủ bia.
Bia và các nền văn minh lâu đời
Nhiều khám phá đã cho thấy rằng bia được gắn liền với nhiều nền văn minh lâu đời của nhân loại. Trong số đó, có thể nói loại bia lúa mạch đầu tiên được ra đời tại vùng Trung Đông nhờ những hiện vật có niên đại khoảng 5,000 năm thuộc về người Sumer của vùng Mesopotamia cổ đại. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được những mảnh bình gốm từ 3,400 năm trước Công Nguyên vẫn còn vết dính của bia, và tìm thấy một bài thơ ra đời vào 1,800 năm trước Công Nguyên mang tên "Thánh ca đến Ninkasi", nội dung ca tụng vị nữ thần bia của người Sumer đồng thời mô tả một công thức ủ bia cổ xưa. Đế chế Babylon cổ đại cũng thể hiện niềm yêu thích của mình dành cho loại thức uống này với hơn 20 công thức nấu bia được ghi chép lại. Đồng thời tại Ai Cập, những người công nhân xây dựng Kim Tự Tháp cũng được trả công bằng bia - và các vị vua Pharaoh của họ cũng được chôn cất cùng với rất nhiều vại bia lớn. Tại Trung Quốc, một công bố gần đây vào năm 2016 đã cho thấy một kĩ thuật ủ bia từ rất sớm đã được ra đời vào thời đại văn hoá Ngưỡng Thiều vào 5,000 năm trước. Kĩ thuật này sử dụng hạt kê vàng, lúa mạch, thóc và các loại củ. Chỉ cho đến thời Trung Cổ, những kĩ thuật ủ bia tương tự với ngày nay mới được phát triển khi những thầy tu và nghệ nhân châu Âu bắt đầu ủ bia cùng hoa bia.
Sự phát hiện về vai trò của men bia
Sự lên men diễn ra khi nấm men chuyển hoá đường ở trong lúa mạch thành cồn và bão hoà khí cacbonic. Hệ vi sinh vốn rất phổ biến trong tự nhiên, vì thế quá trình lên men vẫn luôn diễn ra trước khi nhân loại phát hiện ra sự tồn tại của nó. Và đến tận thế kỷ 19 thì con người mới khám phá ra được rằng men bia vốn luôn là một thành phần không thể thiếu trong việc ủ bia, nhờ vào phát hiện của Louis Pasteur về sự hiện tượng lên men vào đầu những năm 1800.
Men bia được phát hiện nhờ sự khám phá của Louis Pasteur về hiện tượng lên men.
Hoa bia được bổ sung vào quy trình ủ bia
Ngay cả hoa bia cũng không phải lúc nào cũng xuất hiện trong quá trình ủ bia. Những người Ai Cập cổ đại thường dùng các loại thảo mộc dại, quả chà là, dầu oliu, cây râu dê để cân bằng và ướp vị cho bia. Và trong suốt nhiều thế kỉ, việc chuẩn bị bia tại châu Âu phụ thuộc vào một loại hỗn hợp của rau thơm và gia vị có tên là gruit. Chỉ đến thiên niên kỉ đầu tiên sau Công Nguyên, hoa bia mới dần dần tìm được vị trí của mình trong quy trình ủ bia - và nước Đức bắt đầu xuất khẩu hoa bia cho việc nấu bia từ khoảng thế kỷ 13.
Hoa bia không phải luôn được thêm vào quy trình ủ bia.
Nguồn gốc của quy trình ủ bia hiện đại
Vào năm 1516, Công tước Wilhelm Đệ Tứ của vùng Bavaria đã cho ban hành luật Reinheitsgebot, hay còn gọi là "Luật bia tinh khiết Đức", trong đó yêu cầu rằng những nguyên liệu duy nhất được dùng khi ủ bia đó là: hoa bia, lúa mạch, và nước (sau đó được chỉnh sửa để bổ sung nấm men). Điều luật này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khi hạn chế các nhà nấu bia sử dụng thành phần phụ liệu rẻ tiền, đồng thời loại bỏ việc dùng lúa mì để nấu bia. Mặc dù luật không còn quá nghiêm khắc kể từ năm 1987, nhưng nhiều nhà máy bia tại Đức hiện nay vẫn tuân thủ theo quy chuẩn ấy, nhằm nâng cao chất lượng và sự tinh khiết của bia. Cũng có thể nói rằng điều luật này đã ảnh hưởng phần lớn đến cách nhân loại sản xuất và tận hưởng bia ngày nay. Bên cạnh những điểm nổi bật trên, còn rất nhiều thông tin thú vị về lịch sử hình thành bia trên thế giới. Hãy cùng theo dõi Sapporo Star Guide để không bỏ lỡ những bài viết thú vị trong tương lai về chủ đề này nhé!